I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH “DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẠT CHUẨN”
- Thực hiện Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch và chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường và nân cao chất lượng dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.
- Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm với các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Cung cấp thông tin một cách đầy đủ về Chương trình, đặc biệt về quyền lợi cho các cơ sở khi tham gia Chương trình.
- Tập trung phát triển mở rộng mạng lưới chương trình dịch vụ đạt chuẩn du lịch tại trung tâm thành phố, phối hợp với các quận 1,3,5, Tân Bình, Phú Nhuận tích cực vận động các cơ sở mua sắm, ăn uống mới tham gia chương trình.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Quyết định 203/2005/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2005 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về ban hành quy chế xét chọn điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Quyết định 204/2005/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2005 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về ban hành quy chế xét chọn cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch:
1. Điều kiện cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (trang 6, mục VI.2)
- Đăng ký kinh doanh và thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại mục 3 Phần VI Thông tư này đối với từng dịch vụ tương ứng.
- Bố trí nơi gửi phương tiện giao thông của khách.
2.1. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch (trang 6, mục VI.3.1):
- Hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng; không bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; có túi đựng hàng hóa cho khách bằng chất liệu thân thiện với môi trường; có trách nhiệm đổi, nhận lại hoặc bồi hoàn cho khách đối với hàng hóa không đúng chất lượng cam kết;
- Nhân viên mặc đồng phục, đeo phù hiệu tên trên áo; thái độ phục vụ tận tình, vui vẻ, chu đáo, không nài ép khách mua hàng hóa; có nghiệp vụ và kỹ năng bán hàng; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất gây nghiện;
- Cửa hàng có vị trí dễ tiếp cận; diện tích tối thiểu năm mươi mét vuông; trang trí mặt tiền, trưng bày hàng hóa hài hòa, hợp lý; có hệ thống chiếu sáng cửa hàng và khu vực trưng bày hàng hóa; có hộp thư hoặc sổ góp ý của khách đặt ở nơi thuận tiện; có nơi thử đồ cho khách đối với hàng hóa là quần áo; có phòng vệ sinh;
- Chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.
2.2. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch (trang 7, mục VI.3.2):
- Vị trí dễ tiếp cận, có quầy bar;
- Đủ điều kiện phục vụ tối thiểu năm mươi khách; có trang thiết bị phù hợp đối với từng loại món ăn, đồ uống; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Có thực đơn, đơn giá và bán đúng giá ghi trong thực đơn;
- Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Bếp thông thoáng, có trang thiết bị chất lượng tốt để bảo quản và chế biến thực phẩm;
- Nhân viên phục vụ mặc đồng phục phù hợp với từng vị trí công việc, đeo phù hiệu trên áo;
- Có phòng vệ sinh riêng cho khách;
- Thực hiện niêm yết giá và chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.
III. QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH “DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẠT CHUẨN”
1. Trách nhiệm:
1.1. Thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về Vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, về quảng cáo, khuyến mãi và các quy định khác có liên quan đến lĩnh vực ăn uống, mua sắm.
1.2. Phục vụ khách hàng đúng tiêu chuẩn của ngành du lịch, bảo đảm văn minh, lịch sự, giá cả phù hợp với chất lượng.
2. Quyền lợi:
2.1. Được đưa vào các ấn phẩm xúc tiến, quảng bá của Sở (miễn phí hoặc một phần kinh phí) như:
- Guide book
- City Guide
- Bản đồ du lịch (city map)
- Cẩm nang dịch vu du lịch (mua sắm, ăn uống)
- Chương trình phần mềm thông tin hiển thị trên các kiosk màn hình chạm tại các điểm thông tin du lịch của Sở trên địa bàn thành phố.
- Các chương trình quảng bá trên các đơn vị truyền thông, tạp chí của ngành du lịch.
2.2. Được ưu tiên quay phim, ghi hình quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch để phát trên truyền hình, làm phim giới thiệu, xúc tiến du lịch của Sở;
2.3. Được Sở giới thiệu các hãng lữ hành xem xét đưa vào bố trí chỗ mua sắm và ăn uống trong tour trọn gói, nếu phù hợp với yêu cầu của khách du lịch;
2.4. Là “điều kiện cần” để được xem xét bầu chọn vào danh sách “10 nhà hàng”; “10 điểm mua sắm” khách du lịch cần phải ghé khi đến Thành phố Hồ Chí Minh của Chương trình 100 điều thú vị;
2.5. Được đưa vào trang web của Sở và đường link đến các trang web của các sự kiện du lịch, văn hoá liên quan khác;
2.6. Được ưu tiên thông tin, tuyên truyền, giới thiệu với các đoàn đại biểu nước ngoài khi đến với thành phố Hồ Chí Minh như: Famtrip, Presstrip, …
2.7. Được ưu tiên tham gia hoặc ưu tiên thông tin, giới thiệu, quảng cáo với các địa phương trong cả nước hoặc các quốc gia khi Sở tổ chức các đoàn roadshow, khảo sát sản phẩm, tham gia triển lãm, sự kiện thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất;
2.8. Được chọn là ứng viên “Giải thưởng du lịch TPHCM” – là giải thưởng có uy tín của ngành Du lịch Thành phố, được Sở Du lịch tổ chức hàng năm và các giải thưởng du lịch trong và ngoài nước cho chất lượng và hiệu quả kinh doanh của các dịch vụ.
2.9. Các đơn vị tham gia chương trình còn có cơ hội là ứng viên của chương trình bình chọn TP. Hồ Chí Minh 100 điều thú vị, để thở thành đại diện hình ảnh về chất lượng và tính hấp dẫn của Thành phố thông qua các dịch vụ giới thiệu đến bạn bè thế giới.
2.10. Được mời và ưu tiên tham gia các chương trình khuyến mại hoặc phối hợp đón tiếp chiêu đãi, phục vụ mua sắm của các đoàn chính khách của Chính Phủ, UBND TP, các đoàn báo chí trong và ngoài nước khi tham gia các sự kiện, hội họp hoặc tham quan thành phố Hồ Chí Minh....
IV. CÔNG TÁC XÉT CHỌN VÀ QUẢNG BÁ:
1. Công tác thẩm định và xét chọn:
Năm 2004 bắt đầu triển khai chương trình xét chọn “Điểm mua sắm đạt chuẩn du lịch” và đầu năm 2006 triển khai thêm chương trình “Cơ sở ăn uống đạt chuẩn du lịch”, từ đó đến nay, số đơn vị đăng ký tham gia và được công nhận đạt chuẩn tăng dần theo mỗi năm. Chương trình Dịch vụ đạt chuẩn du lịch của thành phố đã được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đánh giá cao về hiệu quả của chương trình, từ năm 2008, những điều kiện và tiêu chí của chương trình đã được qui định cụ thể tại Luật Du lịch và được áp dụng trên toàn quốc.
Hệ thống các Dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch hiện nay đang tập trung ở các loại hình dịch vụ như sau:
+ Trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp
+ Thủ công mỹ nghệ, gỗ, sơn mài…:
+ Thời trang, lụa tơ tằm, may đo
+ Kim hoàn, nữ trang
+ Sản phẩm thêu tay (tranh, quần áo, drap,…), tranh cát, các cơ sở sàn xuất và trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm…
+ Giày thời trang
+ Kinh doanh hàng miễn thuế
+ Nhà hàng (trong các nhà hàng - khu du lịch - trung tâm thương mại – trung tâm mua sắm hoặc các nhà hàng đặc sản truyền thống của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố)
+ Tàu nhà hàng
2. Công tác quảng bá cho chương trình từ khi thực hiện đến nay
- Sở đã phối hợp cùng Đài Truyền hình thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí (báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Du lịch,…) tích cực tuyên truyền, quảng bá nội dung chương trình cùng hình ảnh, hoạt động của từng đơn vị được công nhận theo định kỳ.
- Các thông tin liên quan đến chương trình và danh sách các đơn vị được công nhận danh hiệu Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên website của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (từ năm 2008 đến 2014) và nay là website của Sở Du lịch TPHCM để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các dịch vụ mua sắm đạt chất lượng cả về dịch vụ lẫn hàng hoá. Đặc biệt các dịch vụ tham gia chương trình sẽ được tham gia bình chọn giải thưởng du lịch TPHCM cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống du lịch hấp dẫn nhất do các hãng lữ hành, khách du lịch trong và nghoài nước và người tiêu dùng bình chọn.
- Các đơn vị đạt chuẩn cũng được triển lãm hình ảnh và mời tham gia nhân các sự kiện du lịch thường niên do Sở tổ chức như Ngày hội Du lịch thành phố, Triển lãm Quốc tế Du lịch ITE – HCMC, Liên hoan ẩm thực Món ngon các nước, cùng một số chương trình phối hợp với Sở Công Thương tổ chức như chợ phiên cuối tuần, tháng bán hàng khuyến mãi,...
- Thông tin, hình ảnh của các đơn vị đạt chuẩn cũng được in trong tập phiếu giảm giá, niên giám khách sạn, niên giám lữ hành, một số kỳ trên tạp chí Sketch (miễn phí); bản đồ Dịch vụ du lịch đạt chuẩn được xuất bản bằng 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật; quảng cáo trên Tạp chí Heritage của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (với giá ưu đãi).
Nhìn chung, Sở luôn quan tâm và xem trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác quảng bá, xúc tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị, giúp đơn vị đạt chuẩn có cơ hội giới thiệu thương hiệu, hình ảnh của mình đến du khách và công chúng, đây vừa là quyền lợi của doanh nghiệp và cũng là mục tiêu chính của chương trình.
3. Đánh giá kết quả thực hiện triển khai chương trình
- Hiện nay, Thành phố đã có 65 dịch vụ mua sắm và 68 dịch vụ ăn uống được cấp biển hiệu dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Các đơn vị được xét chọn và công nhận đạt chuẩn du lịch đảm bảo đáp ứng tốt các tiêu chí đề ra và không ngừng nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng. Thông qua danh hiệu đạt được, cùng với sự tác động tích cực, thường xuyên trong công tác quảng bá, xúc tiến của Sở, các đơn vị đã có những chuyển biến đáng kể trong hoạt động kinh doanh. Qua thăm dò dư luận, nhiều du khách cũng cảm thấy an tâm hơn khi đến sử dụng các dịch vụ tại các điểm dịch vụ đạt chuẩn du lịch của ngành du lịch thành phố (mua sắm và ăn uống).
- Từ khi chương trình hoạt động, du khách cũng nhu các doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao về chất lượng hàng hoá và dịch vụ đã thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và mua sắm tại thành phố.
- Điển hình một số đơn vị như Miss Aodai, Parkson, Vincom, Diamond Plaza, Zen Plaza. PNJ, Thêu Ninh Khương, XQ Sài Gòn, gốm Minh Long, sơn mài Tây Sơn, Phương Nam, Minh Phương, Giày Việt, tranh cát Ý Lan, nhà hàng Mười Xiềm, Ăn là Ghiền, nhà hàng Gánh, Manderine, Cơm Tấm Cali....các cơ sở ăn uống thuộc làng Du lịch Bình Quới, công ty cổ phần Bông Sen, công ty cổ phần đầu tư An Đông, các cửa hàng thuộc chuỗi thương hiệu Phở 24, v.v...trong thời gian qua đã kinh doanh hiệu quả và tích cực tham gia những hoạt động của ngành. Các đơn vị này là những đơn vị luôn có ý thức gắn với các hoạt động của ngành du lịch, tham gia tích cực tháng bán hàng khuyến mại định kỳ của thành phố nhằm kích cầu tiêu dùng. Thông qua chương trình, các điểm mua sắm, ăn uống đạt chuẩn đã tạo uy tín và trở thành các điểm được khách du lịch đến mua sắm, thưởng thức ẩm thực ngày càng đông, đặc biệt là các đoàn khách tàu biển đến thành phố với số lượng vài ngàn khách mỗi chuyến tàu cập cảng. Từ đó nhiều điểm đã được cải tạo, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hơn việc tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm ...một cách thống nhất, đồng bộ và chuẩn mực theo quy định của tiêu chí, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
- Đạt được kết quả nêu trên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố và nhất là của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn đã tạo điều kiện về kinh phí, theo dõi góp ý sâu sát trong quá trình thực hiện chương trình.
- Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của ngành du lịch, được các địa phương khác nghiên cứu học tập, áp dụng và đầu năm 2007 đã được đưa vào Luật Du lịch để thực hiện trên phạm vi cả nước.
- Sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Du lịch, Sở Công Thương, Sở Y tế cùng phòng Kinh tế, phòng Văn hoá Thông tin các quận/huyện, Tổ thẩm định chương trình đã làm việc với tinh thần trách nhiệm trong công tác thẩm định, xét chọn khách quan, đúng quy định góp phần tạo nên thành công, uy tín của chương trình.
V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH
Trên cơ sở kinh nghiệm của việc thực hiện chương trình vừa qua, đồng thời căn cứ vào mục tiêu lâu dài của chương trình xét chọn “Dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong chương trình, cụ thể:
- Thực hiện công tác quảng bá thông qua việc xây dựng các ấn phẩm du lịch, bản đồ mua sắm, đăng tải thông tin về các điểm dịch vụ đạt chuẩn trên các ấn phẩm quảng bá của ngành Du lịch Thành phố bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau....
- Tiếp tục vận động sự hỗ trợ của các cơ quan thông tấn báo chí (Thời báo kinh tế Sài gòn, Heritage, Tạp chí Du lịch, website của Sở Du lịch, Đài 1080, 1087 – tổng đài tâm thông tin du lịch của Thành phố và các chuyên mục du lịch của các đài truyền hình...) để tuyên truyền quảng bá cho chương trình đồng thời khai thác các kênh thông tin khách để quảng bá cho chương trình.
- Tiếp tục khảo sát và lên danh sách điểm mua sắm, ăn uống ở các tuyến đường trung tâm Thành phố, gởi thông báo trực tiếp đến các đơn vị để mời tham gia chương trình. Tổ chức thẩm định và tái thẩm định (định kỳ 2 năm) các điểm mua sắm, ăn uống.
- Phối hợp Sở Công thương tổ chức các chương trình khuyến mại (Khuyến mại tiêu dùng tháng 9, Khuyến mại mua sắm du lịch tháng 12) với lực lượng nòng cốt là các cơ sở mua sắm và ăn uống đạt chuẩn du lịch để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành lập Hội mua sắm và Hội ăn uống cho những đơn vị được cấp biển hiệu dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch để có những chương trình hành động thiết thực đạt hiệu quả thu hút sự quan tâm của du khách cũng như hỗ trợ các thành viên trong hội trong hoạt động kinh doanh thông qua các chính sách cụ thể.
- Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp mua sắm tham gia chương trình hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam nhằm kích cầu mua sắm và tăng sức cạnh tranh với các thị trường mua sắm trong khu vực.
- Nghiên cứu, khảo sát thị hiếu của du khách nước ngoài nhằm định hướng các dịch vụ phục vụ du lịch cho doanh nghiệp.
- Phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành vận động các doanh nghiệp lữ hành đưa các điểm mua sắm và ăn uống đạt chuẩn du lịch vào chương trình tour.
Phối hợp với các quận - huyện trong việc quy hoạch và phát triển các dịch vụ sẵn có (cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, mua sắm, ăn uống) của địa phương trên từng tuyến đường, từng khu phố với mục tiêu ổn định trật tự kinh doanh phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương, phát huy sáng tạo và tiềm năng trong xã hội vào hoạt động du lịch, đồng thời nâng cao đời sống xã hội trong cộng đồng dân cư.