![](/Hnh%20nh%20bn%20tin/2018-7/Phong_tranh_tai_nan_duoi_nuoc.jpg.jpg)
Những năm gần đây tai nạn đuối nước đang gia tăng nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ đang là vấn đề gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến tính mạng của trẻ em. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.
Để phòng tránh tai nạn đuối nước, trước hết các gia đình cần tạo môi trường sống an toàn cho trẻ, cần giám sát, quan tâm đến trẻ, không để con em chơi một mình trong những khu vực có các nguy cơ gây đuối nước. Cần trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi lội cho trẻ em. Khi trẻ đi cùng với người lớn tham quan, dã ngoại bằng thuyền, phà bắt buộc phải trang bị phao cứu sinh, không cố đi trên thuyền, phà đã quá tải, không đảm bảo an toàn.
Đối với cá nhân các em phải: tuyệt đối không vui chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, các hầm, hố sâu có nguy cơ tai nạn đuối nước cao; không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối… trong khi không biết bơi; tích cực rèn luyện kỹ năng bơi lội, kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.
Đối với các tổ chức xã hội cần quan tâm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Lập hàng rào bảo vệ, cắm biển báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ đuối nước cao; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em.
Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy, mỗi người lớn chúng ta hãy chung tay nỗ lực và có trách nhiệm trong phòng chống đuối nước có hiệu quả cho trẻ em.
Phòng Văn hóa và Thông tin quận 2