Tin tức sự kiện 03 Tháng Ba 2019 10:55:00 SA

Bia tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ cầu Rạch Chiếc, phường An Phú

 

 

 

a) Về quy hoạch và xây dựng: Công viên – Bia tưởng niệm các liệt sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc nằm bên chân cầu Rạch Chiếc thuộc địa bàn phường An Phú quận 2 cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về phía Đông, được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 21,5 tỷ đồng, trên diện tích 8.403 m2, giáp sông Rạch Chiếc bao gồm 2 phân khu chức năng:

- Khu A là công viên và bia tưởng niệm gồm bia tưởng niệm cao gần 10m được ốp đá granit đỏ, bệ đặt bia, sân nghi lễ, tam cấp, hệ thống đường đi bộ, cây xanh tham cỏ, diện tích 2.917 m2.

- Khu B có chức năng công viên, bến thả hoa được thiết kế nhằm tạo sự thân thiện, tạo không gian xanh cho khu vực.

 

b) Giới thiệu lịch sử trận đánh cầu Rạch Chiếc:

Cầu Rạch Chiếc nằm ở vị trí km số 07 + 263 trên Xa Lộ Hà Nội, thuộc Quốc lộ 1, con đường xuyên Việt lớn nhất Việt Nam. Năm 1957, để mở rộng cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Mỹ Ngụy đã cho xây dựng xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa dài hơn 30km. Trên chiều dài hơn 30km của xa lộ có 3 đoạn bị chia cắt bởi sông rạch, cần có những cây cầu đảm bảo lưu thông liền mạch đó là sông Sài Gòn, vàm Rạch Chiếc, sông Đồng Nai. Vì vậy các cây cầu được xây dựng khá sớm và cũng mang tên sông, rạch mà nó nối bờ: cầu Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc, cầu Đồng Nai. Cầu Rạch Chiếc lúc đầu là một chiếc cầu sắt bám gần sát sông Sài Gòn, cách ngã ba Vàm Rạch Chiếc khoảng 200m. Đầu năm 1967, Mỹ Ngụy cho xây lại cầu Rạch Chiếc ở vị trí mới như ngày nay, với kết cấu bê tông cốt thép. Cầu dài 149,2m rộng 15m (tính từ 2 thành cầu), tải trọng 20 tấn. Từ sau Mậu Thân 1968, Mỹ Ngụy nhận thấy vị trí xung yếu của cầu Rạch Chiếc, chúng xây dựng hệ thống bố phòng kiên cố với nhiều đồn bót, trại lính, lô cốt chiến đấu, chòi canh,…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận cầu Rạch Chiếc là một trong những trấn đánh quyết liệt nhất. Vào đêm 27 rạng sáng ngày 28/4/1975, tại đây đã diễn ra trận chiến giữa lực lượng của ta với các lực lượng tử thủ của Ngụy quân Sài Gòn. Sau ba ngày đêm chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ, những chiến sĩ trong 03 đơn vị D.81, Z.22, Z.23 của Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã cùng lực lượng quân và dân tại chỗ của huyện Thủ Đức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, 52 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn. Chiến thắng Rạch Chiếc góp phần tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30/4/1975.

Thắng lợi này cũng đã khẳng định chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh với hai mục tiêu rõ ràng: thứ nhất, đánh thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất; thứ hai, đánh thế nào để Ngụy quân không có khả năng bỏ vòng ngoài rút về tử thủ Sài Gòn, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, để cuộc sống của thành phố sau giải phóng trở lại bình thường.

Có thể khẳng định, hơn 40 năm đã trôi qua, chiến thắng tại cầu Rạch Chiếc mãi xứng đáng là một sự kiện lịch sử đáng nhớ của quân và dân ta. Những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ đặc công – biệt động và quân, dân tại chỗ của huyện Thủ Đức ở Rạch Chiếc đã vượt xa ý nghĩa của một trận đánh thông thường, góp phần đáng kể vào thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh để có được ngày 30/4/1975 lịch sử.

Công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của thế hệ ngày nay với lịch sử, với thế hệ tiền nhân đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Đây sẽ là một địa điểm sinh hoạt lịch sử, văn hóa kết hợp với sinh hoạt cộng đồng, thân thiện với môi trường quan trọng của nhân dân thành phố nói chung và của quận 2 nói riêng để khơi dậy lòng tự hào, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh kiên cường, anh dũng của thế hệ cha anh, về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.


Số lượt người xem: 2855    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Thành phố Hồ Chí Minh
  • KT-XH 9 thang 2014
  • Tuyên truyền tiết kiệm điện P.2
  • Tuyên truyền tiết kiệm điện P.1
  • Gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
  • Quận 2: Chuyển biến trong công tác giải quyết đơn thu khiếu nại của người dân
  • Đảng bộ Quận 2 với chương trình "Vì dân phục vụ"
  • Bước chuyển mới trong việc xây dựng Chính quyền điện tử
  • Chuyện về vùng đất mới quận 2
  • Khai mạc hội xuân chợ hoa tết Quý Tỵ 2013
  • Hội xuân Quý Tỵ 2013-Quận đoàn
  • Hội thi nấu bánh tét xuân Quý Tỵ 2013
  • Bắn pháo hoa dịp tết Quý Tỵ 2013
  • KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN 2 - P.2
  • KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN 2 - P.1
Tìm kiếm