MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÁNG CHÚ Ý TẠI
LUẬT ĐẶC XÁ NĂM 2018
Theo Luật Đặc xá năm 2018, có thêm nhiều trường hợp không được đề nghị đặc xá: Người bị kết án phạt tù về các tội như tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…
Tại Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật đặc xá quy định: Cứu người trong hỏa hoạn được đề nghị đặc xá là một trong những trường hợp người bị kết án phạt tù lập công lớn trong thời gian chấp hành án, cụ thể là việc cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) trong thiên tại, hỏa hoạn.
Ngoài ra, một số trường hợp lập công lớn khác cũng được đề nghị đặc xá như giúp trại giam, cơ quan thi hành án hình sự, tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; có phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng làm rõ các trường hợp được đặc xá khác. Cụ thể:
- Tù nhân có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt là người chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, tích cực học tập, lao động, cải tạo và thời gian xếp loại theo quý được đánh giá khá hoặc tốt;
- Người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn chưa thể thi hành tiếp nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác là bản thân và gia đình không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người có trách nhiệm nuôi dưỡng…;
- Tù nhân bị ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ được là người phải điều trị tại bệnh xá liên tục từ 03 tháng hoặc không liên tục nhưng phải điều trị từ 03 lần, mỗi lần từ 01 tháng trở lên, không tự phục vụ bản thân và có kết luận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Luật đặc xá có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.
Nghị định 52/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.