Tin tức sự kiện 04 Tháng Mười Một 2019 9:50:00 SA

Hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng trong tình hình hiện nay

 

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ AN NINH MẠNG

TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

 

Những thách thức đặt ra cho vấn đề an ninh mạng hiện nay

Sự phát triển của không gian mạng cùng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại những lợi ích vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của con người. Song, bên cạnh những lợi ích mang lại, không gian mạng cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, tác động trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Các cuộc tấn công mạng với động cơ chính trị vào hệ thống thông tin trọng yếu của các nước ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Tội phạm mạng ngày càng nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi, kỹ thuật cao, sử dụng các loại mã độc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tấn công, xâm nhập. Không gian mạng đang trở thành môi trường thuận lợi để các cơ quan đặc biệt nước ngoài, cá nhân, tổ chức khủng bố liên lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối cực đoan, kích động sự hận thù và bạo lực.

Bảo vệ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng và ứng phó với những nguy cơ mới từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, là một nội dung cốt lõi, sống còn ở nhiều quốc gia. Nhiều nước đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thiết lập quy tắc ứng xử để điều chỉnh các hành vi, mối quan hệ xã hội trên không gian mạng, nâng cao năng lực bảo vệ, phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Việc quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng có vai trò vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Đến nay, có 138 quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng; (trong đó có 95 nước đang phát triển). Trong 6 năm trở lại đây, có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật và dưới luật về an ninh mạng. Điển hình là tháng 9 năm 2018, Mỹ công bố Chiến lược An ninh mạng, sẽ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp quân sự nếu an ninh mạng quốc gia bị đe dọa, tấn công. Tháng 12 năm 2018, Australia ban hành Luật An ninh mạng, cho phép cơ quan chức năng được truy cập các dữ liệu được mã hóa của các nhà mạng.

Việt Nam hiện có 410 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động, Facebook và YouTube là hai mạng xã hội nước ngoài có ảnh hưởng nhất, trong đó Facebook có hơn 60 triệu người dùng tại Việt Nam.

 Hệ thống mạng của nước ta nằm trong nhóm các quốc gia đối mặt với hoạt động tấn công mạng quy mô lớn, cường độ cao, tính chất nghiêm trọng và ngày càng nguy hiểm: đứng thứ 20 trong các hệ thống mạng trên thế giới bị tấn công bởi phần mềm độc hại, trong tốp 10 hệ thống mạng quốc gia hàng đầu thế giới bị lây nhiễm mã độc cục bộ.

 Công tác quản lý nhà nước về không gian mạng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trước những dịch vụ mới trên mạng, như thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp. Cùng với đó là một số vấn đề về an ninh quốc gia, nguy cơ mất an ninh thanh toán, an ninh thông tin mạng, như nguy cơ mất an ninh thông tin mạng tạo điều kiện cho đối phương tiến hành thu thập tin tức tình báo; nguy cơ thất thu thuế, mất chủ quyền không gian thanh toán; tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, trung gian thanh toán trong và ngoài nước tạo môi trường lý tưởng cho tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự xã hội.

Do vậy, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng, cụ thể là Luật An ninh mạng, là yêu cầu hết sức cấp thiết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; tạo hành lang pháp lý để nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh, trật tự và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Luật An ninh mạng được ban hành đã bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh mạng và tạo nên một không gian mạng an toàn hơn, lành mạnh hơn.

Các nhóm biện pháp bảo vệ an ninh mạng

Để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã quy định 4 nhóm biện pháp bảo vệ an ninh mạng, gồm: nhóm biện pháp an ninh mạng; nhóm biện pháp hành chính; nhóm biện pháp điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; và nhóm các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, nhóm biện pháp an ninh mạng, gồm 7 biện pháp:

- Thẩm định an ninh mạng là hoạt động xem xét, đánh giá những nội dung về an ninh mạng để làm cơ sở cho việc quyết định xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống thông tin.

- Đánh giá điều kiện an ninh mạng là hoạt động xem xét sự đáp ứng về an ninh mạng của hệ thống thông tin trước khi đưa vào vận hành, sử dụng.

- Kiểm tra an ninh mạng là hoạt động xác định thực trạng an ninh mạng của hệ thống thông tin, kết cấu hạ tầng hệ thống thông tin hoặc thông tin được lưu trữ, xử lý, truyền đưa trong hệ thống thông tin nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nguy cơ đe dọa an ninh mạng và đưa ra các phương án, biện pháp bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.

- Giám sát an ninh mạng là hoạt động thu thập, phân tích tình hình nhằm xác định nguy cơ đe dọa an ninh mạng, sự cố an ninh mạng, điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, mã độc, phần cứng độc hại để cảnh báo, khắc phục, xử lý.

- Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin là hoạt động phát hiện, xác định sự cố an ninh mạng; bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ; phong tỏa, giới hạn phạm vi xảy ra sự cố an ninh mạng, hạn chế thiệt hại do sự cố an ninh mạng gây ra; xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi cần ứng cứu; xác minh, phân tích, đánh giá, phân loại sự cố an ninh mạng; triển khai phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng là hoạt động có tổ chức do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng là các biện pháp mã hóa bằng mật mã để bảo vệ thông tin mạng khi truyền đưa thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Thứ hai, nhóm biện pháp hành chính, gồm 5 biện pháp:

- Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng;

- Đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, internet, thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến;

- Yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật;

- Phong tỏa, hạn chế hoạt động, đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động hệ thống thông tin;

- Thu hồi tên miền.

Thứ ba, nhóm biện pháp điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm:

- Hoạt động thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hành vi vi phạm;

- Các quy trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ tư, nhóm các biện pháp khác, gồm các biện pháp theo quy định của Luật An ninh quốc gia, như vận động nhân dân, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang; các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, như xử phạt hành chính (cảnh cáo, phạt tiền), các hình phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật vi phạm), các biện pháp khác (buộc ngừng hoạt động, đình chỉ, tạm đình chỉ, buộc khôi phục tình trạng cũ, buộc xóa bỏ, tháo gỡ, tiêu hủy thông tin, nội dung thông tin).

 


Số lượt người xem: 1486    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Thành phố Hồ Chí Minh
  • KT-XH 9 thang 2014
  • Tuyên truyền tiết kiệm điện P.2
  • Tuyên truyền tiết kiệm điện P.1
  • Gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
  • Quận 2: Chuyển biến trong công tác giải quyết đơn thu khiếu nại của người dân
  • Đảng bộ Quận 2 với chương trình "Vì dân phục vụ"
  • Bước chuyển mới trong việc xây dựng Chính quyền điện tử
  • Chuyện về vùng đất mới quận 2
  • Khai mạc hội xuân chợ hoa tết Quý Tỵ 2013
  • Hội xuân Quý Tỵ 2013-Quận đoàn
  • Hội thi nấu bánh tét xuân Quý Tỵ 2013
  • Bắn pháo hoa dịp tết Quý Tỵ 2013
  • KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN 2 - P.2
  • KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN 2 - P.1
Tìm kiếm