Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu; các hoạt động giao thương, buôn bán diễn ra tấp nập; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại… tập trung khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ thị trường Tết; lượng người tại các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại tăng cao vào những ngày cuối năm. Đồng thời, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động chuẩn bị đón các lễ hội, tế lễ cùng tập tục đốt vàng mã và thắp hương thờ cúng gia tiên ngày Tết của người dân… Những đặc điểm trên cộng với yếu tố thời tiết hanh khô gây nên rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành cơ hội để “giặc lửa” tấn công, để lại những hậu quả khôn lường.
Cháy lớn diễn ra liên tục trong những tháng cuối năm
Những ngày cuối năm, các vụ cháy lớn liên tục xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ cháy lúc 1 giờ 28 phút rạng sáng 7-12, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận 7 đã sử dụng các phương tiện chữa cháy hiện đại cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng dập tắt đám cháy, ngăn chặn cháy lan. Nhưng điều đáng tiếc nhất là không thể cứu được 03 tính mạng của những người trong cùng một gia đình. Rạng sáng ngày 26/12, siêu thị Phú Sơn 2 ở phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh bất ngờ bốc cháy khiến một lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết bị thiêu rụi, hàng tỷ đồng ra tro.
Nguyên nhân các vụ cháy tháng cuối năm thường xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân như: Không cẩn trọng trong sử dụng hệ thống điện, không kiểm tra, tắt các thiết bị điện trước khi đi ngủ hoặc trước khi rời khỏi nhà; bất cẩn trong sử dụng ngọn lửa trần, trong thắp hương thờ cúng… Tại các cơ sở kinh doanh, việc sắp xếp, trưng bày hàng hóa chưa đảm bảo khoảng cách an toàn …
Bất cẩn trong sử dụng gas gây cháy
Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống “giặc lửa”
Tết Nguyên đán đang đến gần, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Chợ, trung tâm thương mại, kho hàng, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke... là những nơi tập trung khối lượng hàng hóa lớn. Tại một số cơ sở xảy ra tình trạng việc sắp xếp hàng hóa không đảm bảo an toàn, chưa kiểm tra sửa chữa, thay mới kịp thời những thiết bị điện bị hư hỏng. Đặc biệt tại các cơ sở vui chơi giải trí, đền, chùa, di tích lịch sử... người dân đến tham quan, du lịch, tham gia các hoạt động tín ngưỡng, vui Xuân đón Tết rất đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ cao.
Nhằm đảm bảo cho người dân đón Tết bình yên, Công an quận 2 đã có kế hoạch mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong lĩnh vực PCCC, Công an quận mở đợt tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn quận 2. Bên cạnh đó, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an quận cũng đã tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống cháy, nổ; chủ động 100% lực lượng tổ chức ứng trực, sẵn sàng chiến đấu 24/24, đảm bảo cho Nhân dân đón Tết; thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về công tác PCCC.
Tuy nhiên, để công tác PCCC thật sự đạt hiệu quả thì không chỉ là sự cố gắng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, chính quyền địa phương mà toàn xã hội phải xác định việc phòng ngừa cháy nổ và trang bị các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn... là việc làm tự giác, lâu dài, thường xuyên, liên tục, mang tính chất rộng rãi, toàn dân, toàn diện.
Đặc biệt thời điểm này, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cần chú trọng thực hiện nghiêm các quy định sau:
- Quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương và nhân viên đang kinh doanh, làm việc nâng cao ý thức trách nhiệm PCCC.
- Không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng, các chất nguy hiểm về cháy, nổ như: xăng dầu, gas, hóa chất dễ cháy nổ khác.
- Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn (tắt công tắc, cầu dao, aptomat, rút chuôi cắm ra khỏi ổ cắm điện,…) trước khi ra khỏi khu vực kinh doanh.
- Không sử dụng lửa trần như: Đun nấu, đốt nhang, đèn cầy, đèn dầu, hút thuốc, đốt vàng mã… trong khu vực kinh doanh.
- Không tự ý câu mắc các thiết bị điện để chiếu sáng, sinh hoạt, trang trí, quảng cáo,… không đảm bảo an toàn về điện hoặc câu mắc quá nhiều để tránh hiện tượng quá tải gây cháy.
- Sắp xếp, trưng bày hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (khoảng cách tối thiểu là 0,5m).
- Bố trí các bình chữa cháy xách tay ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy. Không sắp xếp, trưng bày hàng hóa che khuất các phương tiện, dụng cụ chữa cháy.
- Khi hết giờ kinh doanh, phải sắp xếp toàn bộ hàng hóa, vật dụng vào trong quầy, sạp và đóng kín tất cả các cửa quầy, sạp để hạn chế tốc độ lan truyền của đám cháy trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ.
Khối lượng hàng hóa lớn tập trung tại các chợ phục vụ thị trường Tết
Tại các cơ sở tôn giáo, người đứng đầu, các thành viên quản trị, quản lý và những người trực tiếp làm công việc trông coi cần tích cực trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo, vận động tín đồ hạn chế việc thắp nhang – đèn, đốt vàng mã trong các buổi thuyết giảng hoặc bằng các khẩu hiệu “Nhà chùa, hội quán đã thắp nhang, vui lòng không thắp nhang trong chánh điện” hoặc “Lòng thành chỉ thắp một nén nhang”…, bố trí khu vực cắm nhang ở sân…; việc đốt vàng mã phải có thùng chứa hoặc đưa vào lò hoá, lò hoá phải có nắp đậy, không để tàn than bay ra ngoài lò đốt và khi đốt phải có người trông coi.
Tết đến là thời điểm nhu cầu đốt vàng mã của người dân tăng cao
Tại các cơ quan, xí nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức phải luôn có ý thức và thực hiện nghĩa vụ PCCC; tổ chức tự kiểm tra và thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để xử lý hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vì vậy, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân; đừng nghĩ làm PCCC cho người khác, cho địa phương, cho doanh nghiệp hay cho xã hội..., như vậy sẽ dễ dẫn đến chủ quan và đối phó, hãy luôn nghĩ rằng làm PCCC vì sinh mạng của bản thân mình và những người thân yêu, làm PCCC vì chén cơm và tài sản của chính mình. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán nói riêng và đảm bảo an toàn PCCC nói chung mới đạt được hiệu quả.
Người viết tin: Thượng úy Hoàng Thị Tươi – Đội XDPT BVANTQ