Tuyên truyền phổ biến pháp luật 16 Tháng Mười 2017 4:35:00 CH

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH 2015

 (Website quận 2) - Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC 2015)có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016; riêng các quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân có liên quan đến Bộ luật dân sự năm 2015, thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Phòng Tư pháp quận 2xin giới thiệu một số điểm mới giúp bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về Luật này sẽ thuận tiện tra cứu hơn:

I. TỔNG QUAN VÀ NHỮNG NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Luật gồm 23 chương, 372 điều bao gồm: Bổ sung 05 chương mới, giữ nguyên 87 điều; Sửa đổi, bổ sung 175 điều; Bổ sung mới 110 Điều, gồm:

1. Chương I - Những quy định chung

     Chương này gồm có 29 điều (từ Điều 1 đến Điều 29) quy định về phạm vi điều chỉnh; hiệu lực của Luật Tố tụng hành chính; giải thích từ ngữ và các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, trong đó các khái niệm quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của các luật có liên quan, khắc phục cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn xét xử của các Toà án nhân dân. Đồng thời, các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính được thể hiện trong Chương này cũng được bổ sung để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các quy định mới của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, bao gồm: bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; nguyên tắc áp dụng án lệ hành chính; nguyên tắc bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử; xét xử theo thủ tục rút gọn, bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; xử lý các văn bản hành chính có liên quan và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

     Một số điểm sửa đổi bổ sung, điểm mới đáng lưu ý của chương này gồm:

     - Giải thích từ ngữ (Điều 3):

     + Bổ sung quy định Quyết định bị kiện, hành vi bị kiện;

     + QĐ hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ bao gồm nhiệm vụ, kế hoạch, quản lý cán bộ, kinh phí, tài sản được giao, thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách pháp luật đối với công chức, viên chức, người lao động,....

     + Người khởi kiện gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện danh sách cử tri bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; trưng cầu dân ý;

     + Bổ sung khái niệm mới: vụ án phức tạp, trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng.

     - Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính (Điều 7):

     + Khoản 1 đoạn 2 “Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.

     Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết”.

     + Khoản 2 đoạn 2 “Trường hợp Tòa án giải quyết cả phần yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với việc giải quyết vụ án hành chính mà phần quyết định của bản án về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo hoặc kháng nghị hoặc bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì phần quyết định về bồi thường thiệt hại trong các trường hợp này là một phần của vụ án hành chính. Thủ tục giải quyết đối với phần quyết định về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bị hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại được thực hiện theo quy định của Luật này”.

     - Nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (Điều 10): phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết.

     - Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (Điều 11): thay việc chế độ xét xử hai cấp bằng việc nêu rõ chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

     - Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính (Điều 12): Về nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tuy nhiên có yếu tố loại trừ đối với trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

     - Đối thoại trong tố tụng hành chính (Điều 20): Về nguyên tắc Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại theo quy định của Luật này.

     - Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều 22): Khoản 2 “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

     Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

     - Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án (Điều 26): Bỏ quy định về thời hạn thông báo kết quả chuyển giao tài liệu.

2. Chương II - Thẩm quyền của Tòa án

     Chương này gồm có 6 điều (từ Điều 30 đến Điều 35) quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án; sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền của Tòa án từng cấp để phù hợp với quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014; Điều 31, 32 quy định sửa đổi thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo hướng khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Đồng thời, pháp điển hoá các văn bản hướng dẫn hiện hành về giải quyết trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện, tách, nhập, chuyển vụ án cho Toà án khác và tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án.

     Theo đó, Điều 33 hướng dẫn xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện thì xác định rõ nguyên tắc nếu như khiếu nại thì thôi khởi kiện và ngược lại.

3. Chương III - Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng

     Chương này gồm có 17 điều (từ Điều 36 đến Điều 52) quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng trên cơ sở pháp điển hoá các văn bản hiện hành có liên quan và bổ sung quy định mới về việc cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án hành chính có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để cụ thể hoá quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014.

     - Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (Điều 36): Bổ sung người tiến hành tố tụng: Thẩm tra viên của Tòa án và Kiểm tra viên của VKS.

     - Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án (Điều 37):

     + Khoản 2 “ Khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, trừ quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm e khoản 1 Điều này. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm”.

     - Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án (Điều 38):

     - Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên (Điều 40) – Điều mới

     Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

     1. Thẩm tra hồ sơ vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

     2. Kết luận về việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra, đề xuất phương án giải quyết vụ án hành chính với Chánh án Tòa án;

     3. Thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này;

     4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

     - Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát (Điều 42):

     + Khoản 1 “d) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật này”

     + Khoản 2 “Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền quyết định kháng nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy nhiệm”.

     - Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên (Điều 43): Cụ thể hóa các quyền trực tiếp của Kiểm sát viên như kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát thụ lý, nghiên cứu hồ sơ, xác minh thu thập chứng cứ, tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, yêu cầu, kiến nghị tòa án, kiểm sát đối với người tham gia tố tụng và có quyền yêu cầu kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

     Đề nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật.

     - Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên (Điều 44) – Điều mới

     Khi được phân công, Kiểm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

     1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

     2. Lập hồ sơ kiểm sát vụ án hành chính theo sự phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát;

     3. Giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Luật này.

4. Chương IV - Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng

     Chương này gồm có 13 điều (từ Điều 53 đến Điều 65) quy định về người tham gia tố tụng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; cụ thể là đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị những vấn đề cần tranh tụng; tham gia tranh tụng tại phiên toà; đề nghị Toà án tổ chức đối chất và tham gia đối chất với nhau hoặc với người làm chứng; sửa đổi, bổ sung quy định về việc uỷ quyền trong trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức để bảo đảm thực hiện tranh tụng cũng như thời gian giải quyết vụ án hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc thực hiện tranh tụng cũng như thuận lợi cho các chủ thể tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án hành chính; bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người tham gia tố tụng vi phạm nghĩa vụ trong tố tụng hành chính mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.

     Đặc biệt, Luật quy định về Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính tại Điều 59 như sau: Khoản 5“Trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

     Điều 60 quy định về Người đại diện:

     + Khoản 2 “c) Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”;

     + Khoản 3 “ Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

     Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.

     * Lưu ý: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”.

5. Chương V - Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

     Chương này gồm có 12 điều (từ Điều 66 đến Điều 77) quy định về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính. Trong đó, bổ sung các quy định mới về việc chấm dứt việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc chấm dứt việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp cụ thể.

     Một số nội dung của Chương này có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát như sau:

     - Điều 73 khoản 4: Thẩm phán áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đều phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiến hành kiểm sát.

     - Điều 75 khoản 2: Tòa án phải gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiến hành kiểm sát.

     - Điều 77: Chánh án Tòa án phải xem xét giải quyết kiến nghị của Viện kiểm sát về việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn 03 ngày.

6. Chương VI - Chứng minh và chứng cứ

     Chương này gồm có 21 điều (từ Điều 78 đến Điều 98) quy định các vấn đề liên quan đến chứng minh, chứng cứ trong tố tụng hành chính. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ, thời hạn giao nộp chứng cứ; quyền tiếp cận, trao đổi chứng cứ của đương sự; về xác minh, thu thập chứng cứ, về trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá tài sản nhằm bảo đảm để các bên thực hiện quyền tranh tụng và trách nhiệm của Toà án trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

     - Trong Chương này có Điều 98 là Điều mới quy định về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ như sau:

     1. Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này.

     2. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

     3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này.

     - Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (Điều 79): 

     + Khoản 1 “....trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì Thẩm phán có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp, giao nộp văn bản xuất trình văn bản gốc, bản chính”;

     + Khoản 2 “ Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận hoặc không phản đối của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện”.

     - Nguồn chứng cứ (Điều 81) được bổ sung thêm 2 nguồn so với Luật 2010:

     + “Văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập”; (Khoản 8)

     + “Văn bản công chứng, chứng thực”.( Khoản 9)

     - Xác định chứng cứ (Điều 82): Ngoài các quy định như Điều 76 Luật TTHC 2010, Luật TTHC 2015 còn quy định

     + Khoản 3 “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”;

     + Khoản 9 “Văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản xác nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định”;

     + Khoản 10 “Các nguồn khác theo quy định của pháp luật được xác định là chứng cứ”.

     - Giao nộp tài liệu, chứng cứ (Điều 83) có một số quy định mới như:

     + Khoản 1 “...nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại khoản 2 Điều 84 của Luật này để giải quyết vụ án”

     + Khoản 4 “Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm quy định tại Điều 130 của Luật này”.

     + Khoản 5 “Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ án thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ”.

     + Khoản 6 “Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ và có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án”.

     - Xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 84):

    + Khoản 1 quy định những biện pháp thu thập chứng cứ mà đương sự có quyền tự mình thực hiện;

    + Khoản 4 “Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ quy định tại điểm a và điểm g khoản 2 Điều này.

     Khi Thẩm tra viên tiến hành biện pháp quy định tại điểm g khoản 2 Điều này, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án”.

     + Khoản 5 “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo cho các đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình”

     + Khoản 6 “...Trường hợp kháng nghị bản án hoặc quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị”.

     - Xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 88):

     Bổ sung thêm thành phần tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ gồm Thẩm phán, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định; phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.

     - Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định (Điều 89):

     “5. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp”.

     - Trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo (Điều 90):

     Khoản 3 “Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu Tòa án quyết định trưng cầu giám định”.

     - Ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 92):

     Khoản 5 “Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này hoặc đã thực hiện việc ủy thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Tòa án giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án”.

     - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (Điều 93):

     + Khoản 3 “...Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án”;

     + Khoản 4 “Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này”.

7. Chương VII - Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng

     Chương này gồm có 12 điều (từ Điều 99 đến Điều 110) quy định nghĩa vụ, thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành; đồng thời, bổ sung phương thức tống đạt văn bản tố tụng theo hợp đồng dịch vụ tống đạt.

     - Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo (Điều 100):

     Khoản 3 “Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; văn bản của cơ quan thi hành án dân sự”.

     - Những người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng (Điều 101):

     + Khoản 1 “Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng”.

     + Khoản 2 “Người có chức năng tống đạt”.

     - Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân (Điều 106):

     + Khoản 4 “Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

     Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 108 của Luật này”.

     - Thủ tục niêm yết công khai (Điều 108): Khoản 2 “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú thực hiện ủy quyền cho người có chức năng tống đạt ”.

Điều 110. Thông báo kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng (sửa Điều 102 Luật TTHC2010)

     Trường hợp người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không phải là người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng thì người thực hiện phải thông báo ngay bằng văn bản kết quả việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho Tòa án hoặc cơ quan ban hành văn bản tố tụng đó.

     Ngoài ra, Chương này còn bổ sung Điều luật về thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo bằng phương tiện điện tử (Điều 105)

8. Chương VIII - Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính

     Chương này gồm có 4 điều (từ Điều 111 đến Điều 114) quy định về thẩm quyền, trình tự kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản pháp luật. Đây là những quy định mới được bổ sung để cụ thể hoá quy định tại khoản 7 Điều 2 của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, bảo đảm cho Toà án giải quyết vụ án đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.

9. Chương IX - Khởi kiện, thụ lý vụ án

     Chương này gồm có 15 điều (từ Điều 115 đến Điều 129) quy định về quyền khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện; thủ tục khởi kiện; nhận và xem xét đơn khởi kiện; về thụ lý vụ án. Trong đó, bổ sung các quy định về điều kiện khởi kiện, đơn khởi kiện trên cơ sở pháp điển hoá các hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung quy định mới về mở phiên họp để xem xét, giải quyết khiếu nại của đương sự đối với việc trả lại đơn khởi kiện nhằm công khai, minh bạch hoá việc thụ lý vụ án hành chính của Toà án.

     Một số nội dung sửa đổi, bổ sung như:

     - Thời hiệu khởi kiện (Điều 116):

     Khoản 3 “Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

     a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

     b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại”.

     - Đơn khởi kiện (Điều 118): Khoản 2 “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án”.

     - Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án (Điều 119): bổ sung thêm hình thức“Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)”. tại Khoản 3.

     - Xác định ngày khởi kiện vụ án hành chính (Điều 120):

     + Khoản 1 “Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền thì ngày khởi kiện là  ngày nộp đơn”.

     + Khoản 4 “Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 34 và khoản 3 Điều 165 của Luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

     - Nhận và xem xét đơn khởi kiện (Điều 121):

     Khoản 4 “Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được thông báo cho người khởi kiện, phải ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)”.

     - Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (Điều 122):

     + Khoản 1 “Sau khi nhận được đơn khởi kiện, nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhậnđược thông báo của Tòa án”.

     + Khoản 2 “Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện”.

     - Trả lại đơn khởi kiện (Điều 123): Khoản 2 “Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao lại và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”.

     - Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 124):

     - Điều 124 quy định mới: “Khi trả đơn khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn được gửi ngay cho VKS cùng cấp.  Đơn khởi kiện và các tài liệu mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao và lưu tại Tòa án để làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị”. Khi có khiếu nại, kiến nghị, Tòa án phải mở phiên họp trong hạn 05 ngày làm việc để xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, “ phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp.. căn cứ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến trả lại đơn khởi kện, ý kiến của Viện kiểm sát và đương sự tại phiên họp, thẩm phán phải ra một trong các quyết định: giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát; Nhận lại đơn khởi kiện..” (khoản 3,4 Điều 124).

     - Thụ lý vụ án (Điều 125): bổ sung thêm quy định:

     3. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người khởi kiện mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì giải quyết như sau:

     a) Trường hợp chưa trả lại đơn khởi kiện thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án;

     b) Trường hợp đã trả lại đơn khởi kiện mà người khởi kiện chứng minh được là họ đã nộp tiền tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định, nhưng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên họ nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án không đúng hạn thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý vụ án; trường hợp này ngày khởi kiện là ngày nộp đơn khởi kiện lần đầu;

     c) Trường hợp sau khi Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý vụ án; trường hợp này ngày khởi kiện là ngày nộp lại đơn khởi kiện.

     4. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà người khởi kiện không nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thông báo cho họ biết về việc không thụ lý vụ án với lý do là họ không nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp này, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

     - Thông báo về việc thụ lý vụ án (Điều 126):

     “1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

     - Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án (Điều 127):

     Khoản 1 “Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên”.

     Ngoài ra, Chương này được bổ sung Điều mới về thủ tục khởi kiện (Điều 117) (Còn nữa)

10. Chương X - Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử

 

Chương này gồm 17 điều (từ Điều 130 đến Điều 147) quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; lập hồ sơ vụ án hành chính; giao nộp,  xác minh, thu thập chứng cứ; tiến hành đối thoại trong tố tụng hành chính; về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính; đưa vụ án ra xét xử và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu. Các quy định tại Chương này ngoài việc pháp điển hoá các hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính hiện hành và sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thì còn bổ sung quy định mới về việc lập hồ sơ vụ án hành chính, đối thoại trong tố tụng hành chính để việc lập, quản lý, lưu giữ, sử dụng bảo quản hồ sơ vụ án hành chính bảo đảm thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án tổ chức cho các bên đương sự đối thoại với nhau, giúp cho các bên đương sự biết được quyền, nghĩa vụ của mình trong vụ án hành chính, làm rõ những tình tiết của vụ án để có những thỏa thuận hợp pháp, giúp cho Tòa án giải quyết vụ án thuận lợi, hiệu quả; bổ sung quy định mới về việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ để bảo đảm chất lượng tranh tụng tại phiên toà.

- Thời hạn chuẩn bị xét xử (Điều 130):

Khoản 4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (Điều 131):

“1. Lập hồ sơ vụ án.

 .......

4. Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

5. Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật này; trừ vụ án theo thủ tục rút gọn và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri.

6. Ra một trong các quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;

c) Đình chỉ việc giải quyết vụ án”.

Đáng lưu ý là việc giao nộp tài liệu chứng cứ được quy định mới (Điều 133) :

- Giao nộp tài liệu, chứng cứ (Điều 133)

2. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp trước đó thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự phải giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm.

- Xử lý kết quả đối thoại (Điều 140):

Trong trường hợp Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án thì phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì quyết định của Tòa án có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 141): Khoản 1 “...d) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác hoặc kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan;

đ) Cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản đó”.

- Hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 142):

“...2. Khi lý do tạm đình chỉ quy định tại Điều 141 của Luật này không còn thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

3. Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

4. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.

Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ trong thời gian ngắn nhất để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết”.

- Đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 143):

Khoản 1 “b) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập;

...g) Thời hiệu khởi kiện đã hết”.

11. Chương XI - Phiên tòa sơ thẩm

 

Chương này gồm 3 mục, 50 điều (từ Điều 148 đến Điều 197) quy định các vấn đề về tổ chức và tiến hành phiên toà sơ thẩm trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành và pháp điển hoá các văn bản hướng dẫn hiện hành; bổ sung quy định mới về căn cứ hoãn, dừng phiên toà, về thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng; nội dung, phương thức tranh tụng tại phiên toà; về thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên toà; những vấn đề mà Hội đồng xét xử phải thảo luận, biểu quyết khi nghị án và thể hiện trong bản án.

- Địa điểm tổ chức phiên tòa (Điều 150)

Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 151 của Luật này.

- Xét xử trực tiếp, bằng lời nói (Điều 152): “...nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát”.

Nội quy phiên tòa (Điều 153):

* Lưu ý:

- Sự có mặt của Kiểm sát viên (Điều 156): Khoản 1 “Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử”

- Hoãn phiên tòa (Điều 162): Khoản 1 “c) Trường hợp phải tiến hành giám định lại theo quy định tại Điều 170 của Luật này.”

- Thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng (Điều 168) - Điều mới. Theo đó, khi có đủ các điều kiện Luật định thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng theo quy định của Luật

 - Khai mạc phiên tòa (Điều 169):

“7. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

8. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch”.

Trình bày của đương sự (Điều 176):

1. Trường hợp đương sự vẫn giữ yêu cầu, quan điểm của mình và không thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử tóm tắt nội dung yêu cầu của đương sự, thông báo kết luận tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, những vấn đề cần tranh tụng, yêu cầu đương sự trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn theo trình tự sau đây:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;

b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày ý kiến của người bị kiện đối với yêu cầu của người khởi kiện; yêu cầu, đề nghị của người bị kiện và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Người bị kiện có quyền bổ sung ý kiến;

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

2. Trường hợp người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày về yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

3. Tại phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ có quyền bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật này để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình.

- Thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa (Điều 177)

1. Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 176 của Luật này, theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa, thứ tự hỏi của từng người được thực hiện như sau:

a) Người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Người tham gia tố tụng khác;

c) Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân;

d) Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

- Hỏi người làm chứng (Điều 181): Khoản 6 “Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hỏi người làm chứng sau khi được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa”.

- Công bố các tài liệu của vụ án (Điều 182): Khoản 1“c) Khi Hội đồng xét xử thấy cần thiết hoặc khi có yêu cầu của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên.”

- Hỏi người giám định (Điều 185): Khoản 4 ...trường hợp xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại và tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

- Trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều 188):

+ Khoản 1 “d) Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa;

đ) Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án”

+ Khoản 3 “Trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người tham gia tố tụng khác thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ, văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp”.

Phát biểu của Kiểm sát viên (Điều 190):  Tại các phiên tòa, phiên họp ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên ngoài phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án còn phát biểu về việc giải quyết vụ án (tức quan điểm giải quyết vụ án). Như vậy so với Luật TTHC năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung Luật TTHC mở rộng quyền cho Viện kiểm sát được phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án.

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử (Điều 193):

+ Khoản 1 “Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”.

+ Khoản 2 “b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy”

+ Khoản 3 “Trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì Hội đồng xét xử báo cáo Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án đó  có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó. Trường hợp này, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý cho Tòa án biết để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

- Bản án sơ thẩm (Điều 194): Khoản 3 “Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án”.

- Tuyên án (Điều 195): “Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án có mặt các đương sự. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt theo quy định tại khoản 5 Điều 191 của Luật này thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án. Trường hợp xét xử kín theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này thì Hội đồng xét xử tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án”.

- Cấp, gửi trích lục bản án, bản án (Điều 196): Về cơ bản giữ nguyên như Điều 166 LTTHC 2010:

+ Khoản 2 “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải cấp, gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp”.

+ Khoản 3 “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp, gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện”.

Ngoài ra, bổ sung thêm khoản 4 về việc Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án

Sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án (Điều 197): Khoản 1 “Sau khi bản án, quyết định của Tòa án được ban hành thì không được sửa chữa, bổ sung, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Văn bản sửa chữa, bổ sung phải được Tòa án gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp; trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật còn phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện”.

12. Chương XII - Thủ tục giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

 

Chương này gồm có 5 điều (từ Điều 198 đến Điều 202) quy định về nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án; thời hạn giải quyết vụ án; sự có mặt của đại diện Viện kiểm sát, đương sự và hiệu lực của bản án, quyết định đình chỉ vụ án của Toà án trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành của Luật tố tụng hành chính và pháp điển hoá nội dung hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính hiện hành.

13. Chương XIII - Thủ tục phúc thẩm

 

Chương này gồm 41 điều (từ Điều 203 đến Điều 244) quy định thủ tục kháng cáo, kháng nghị, thụ lý, xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính và pháp điển hoá các văn bản hướng dẫn hiện hành, bổ sung một số quy định bảo đảm tính công khai, dân chủ và thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, như bổ sung quy định về việc mở phiên họp xét đơn kháng cáo quá hạn; việc trả lại đơn kháng cáo; xác định ngày kháng nghị; sửa đổi quy định về việc gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị; bổ sung quy định mới về cung cấp tài liệu, chứng cứ tại Toà án cấp phúc thẩm, về tạm ngừng phiên toà phúc thẩm, về thủ tục hỏi, trình bày chứng cứ và tranh luận tại phiên toà phúc thẩm nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm; giải quyết trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính bị khởi kiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

- Người có quyền kháng cáo (Điều 204):

Về cơ bản giữ nguyên Điều 174 LTTHC 2010, chỉ thay thế Tòa án cấp trên trực tiếp bằng Tòa án cấp phúc thẩm.

- Đơn kháng cáo (Điều 205):

Ngoài các nội dung như Điều 175 Luật TTHC 2010, Luật TTHC 2015 đã pháp điển hóa cả các quy định hướng dẫn trong Nghị quyết của HĐTP TAND TC như quy định về việc ủy quyền kháng cáo của cơ quan tổ chức, người chưa thành niên…

- Thời hạn kháng cáo (Điều 206):

Khoản 1 “Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án”.

“2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.

3. Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam”.

- Kiểm tra đơn kháng cáo (Điều 207):

“3. Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 205 của Luật này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại đơn kháng cáo hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn (Điều 208):

“2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm 03 Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp Kiểm sát viên, người kháng cáo quá hạn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

- Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 209):

Khoản 2 “Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn”.

- Kháng nghị của Viện kiểm sát (Điều 211): “Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.

- Thời hạn kháng nghị (Điều 213):  Khoản 3 “Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

- Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị (Điều 218): Khoản 1 “Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 206 của Luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.

Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 213 của Luật này thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu”.

- Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm (Điều 221): Khoản 5 “Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Đặc biệt, việc giao nộp tài liệu, chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm cũng có sự khác biệt so với trước đây. Theo đó, “Đương sự được quyền giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm trong những trường hợp sau đây:

a) Những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng;

b) Những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.” – Điều 227

Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 228):

“2. Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi
hành ngay.

3. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp”.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 229):

Khoản 1 “b) Trường hợp trả lại đơn kháng cáo theo quy định của Luật này mà Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý hồ sơ vụ án;

c) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị

“2. Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”.

Thủ tục xét xử phúc thẩm (Điều 233):

3..... b) Hỏi người kháng cáo, Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị hay không;

4. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Kiểm sát viên rút một phần kháng nghị thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên bổ sung nội dung mới không thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu thì Tòa án không xem xét nội dung đó.

5. Việc hỏi đương sự, Kiểm sát viên về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được Chủ tọa phiên tòa thực hiện như sau:

a) Hỏi người khởi kiện có rút đơn khởi kiện hay không;

b) Hỏi người kháng cáo, Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị hay không.

Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm (Điều 234): Khoản 1..... b) Đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

- Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm (Điều 239)

1. Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.

2. Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;

b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;

c) Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa;

d) Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các bên đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

3. Trình tự tranh luận đối với kháng nghị của Viện kiểm sát được thực hiện như sau:

a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ đối với kháng nghị của Viện kiểm sát. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;

b) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.

4. Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình tranh luận.

5. Trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự và người tham gia tố tụng khác thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm (Điều 241): Khoản 6 Trường hợp cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này thì Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ kết quả giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền và báo cáo Chánh án Tòa án có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý cho Tòa án biết để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền thì Hội đồng xét xử có quyền áp dụng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên để giải quyết vụ án.

- Bản án phúc thẩm (Điều 242):  Khoản 6 “Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy”.

*Lưu ý:

- Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 243): 

+ Khoản 3: Đương sự kháng cáo được mời tham gia phiên họp trình bày ý kiến về việc kháng cáo, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành phiên họp.

  + Khoản 4: Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm và phát biểu ý kiến về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định. Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên họp khi Kiểm sát viên vắng mặt trong trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị (Còn nữa).

4. Chương XIV - Thủ tục rút gọn

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 245 đến Điều 250) - Quy định về phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục, thành phần của Hội đồng xét xử, thời gian giải quyết (bao gồm cả hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm)

- Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn (Điều 249): Khi Thẩm phán tiến hành đối thoại tại phiên tòa không thành thì tiến hành xét xử theo thủ tục thông thường quy định tại mục 3 Chương XI của Luật TTHC – như phiên tòa sơ thẩm thông thường.

- Kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm rút gọn (Điều 253 khoản 5): Sau khi kết thúc việc tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

- Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 245)

1. Thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là thủ tục giải quyết vụ án hành chính khi có các điều kiện theo quy định của Luật này nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

2. Tòa án áp dụng những quy định của Chương này, đồng thời áp dụng những quy định khác của Luật này không trái với những quy định của Chương này để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

3. Trường hợp luật khác có quy định về khiếu kiện hành chính áp dụng thủ tục rút gọn thì thực hiện theo quy định của Luật này.

- Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 246)

1. Vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Phát sinh các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất và cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;

b) Cần phải định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá;

c) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

đ) Phát sinh yêu cầu độc lập;

e) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

- Phiên tòa theo thủ tục rút gọn (Điều 249)

1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện.

2. Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định tại
Điều 169 của Luật này.

3. Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành đối thoại, trừ trường hợp không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135 của Luật này. Trường hợp đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán lập biên bản đối thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành theo quy định tại Điều 140 của Luật này. Trường hợp đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử.

Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương XI của Luật này.

4. Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới quy định tại khoản 2 Điều 246 của Luật này làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường và thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại theo quy định tại khoản 3 Điều 246 của Luật này.

- Hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn (Điều 250)

1. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục rút gọn phúc thẩm.

2. Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này.

- Thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn (Điều 251)

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc được niêm yết.

2. Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

...

3. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nghiên cứu và trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án.

Trường hợp Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 246 của Luật này thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính theo quy định tại khoản 3 Điều 246 của Luật này.

4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định hủy bỏ, quyết định tạm đình chỉ vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, nếu xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn thì VKS chỉ có 05 ngày để nghiên cứu hồ sơ vụ án thay vì 15 ngày như thủ tục thông thường.

- Thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 253)

1. Việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm.

2. Phiên tòa có mặt các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

Trường hợp đương sự đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc đã có đơn xin xét xử vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.

3. Thẩm phán trình bày tóm tắt nội dung bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, nội dung của kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày, đương sự bổ sung ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án.

5. Sau khi kết thúc việc tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

6. Khi xem xét bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Thẩm phán có các quyền sau đây:

a) Giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

b) Sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

c) Hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc theo thủ tục thông thường nếu không còn đủ các điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn;

d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;

đ) Đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

7. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra bản án, quyết định.

15. Chương XV - Thủ tục giám đốc thẩm

 

Chương này gồm 29 điều (từ Điều 251 đến Điều 279) quy định về thủ tục giám đốc thẩm trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, về thủ tục nhận và xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm; về thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong giai đoạn giám đốc thẩm; về người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để phù hợp với quy định mới của Luật tổ chức Toà án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; bổ sung quy định về thẩm quyền và việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao theo quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014; bổ sung quy định mới về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

16. Chương XVI - Thủ tục tái thẩm

 

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 280 đến Điều 286) quy định về thủ tục tái thẩm trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung về người có quyền kháng nghị tái thẩm để phù hợp với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

17. Chương XVII - Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

 

Chương này gồm 11 điều (từ Điều 287 đến Điều 297) quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao trên cơ sở pháp điển hoá hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao của Luật tố tụng hành chính hiện hành.

18. Chương XVIII - Thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài (mới)

Chương này gồm 11 điều (từ Điều 298 đến Điều 308) quy định những vấn đề đặc thù về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc giải quyết các vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, bảo đảm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

- Làm rõ thêm căn cứ xác định vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, như là:

+ Đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam

+ Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài

- Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài

19. Chương XIX - Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính

 

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 309 đến Điều 315) quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành, đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về việc Toà án có thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành án hành chính; Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm người phải thi hành án theo quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc thi hành án hành chính; đồng thời, bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án để bảo đảm hiệu quả trong công tác thi hành án hành chính.

20. Chương XX - Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính (mới)

Chương này gồm có 11 điều (từ Điều 316 đến Điều 326) quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

- Xác định hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính:

+ Hành vi cản trở việc xác minh, thu thập chứng cứ

+ Hành vi cố ý không chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án

+ Hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của người tiến hành tố tụng…

+ Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa…

Tuy nhiên, không áp dụng biện pháp xử phạt của Tòa án mà áp dụng theo quy định của Luật tố tụng hành chính

Đây là Chương mới được bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng hành chính, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, nâng cao uy tín của Toà án, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Toà án, tạo điều kiện để Toà án giải quyết các vụ án hành chính nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

21. Chương XXI - Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính

 

Chương này gồm 17 điều (từ Điều 327 đến Điều 343) chủ yếu kế thừa các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành về thủ tục, thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

22. Chương XXII - Phí, lệ phí và các chi phí tố tụng (mới)

Chương này gồm 27 điều (Điều 344 đến Điều 370) quy định hai nhóm vấn đề về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác.

Nội dung Chương này được xác định rõ ở 2 mục:

- Về án phí, lệ phí, tạm ứng án phí

- Chi phí tố tụng khác: chi phí ủy thác tư pháp, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch.

23. Chương XXIII - Điều khoản thi hành

 

Chương này gồm 2 điều (Điều 371 và Điều 372) quy định hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

II. NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI SỐ 104/2015/QH13 NGÀY 25/11/2015 VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH:

 

- Hiệu lực thi hành (Điều 1):

 

Kể từ ngày Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016):

1. Đối với những vụ án hành chính đã được Toà án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết;

2. Đối với những vụ án hành chính đã được Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà có kháng cáo, kháng nghị, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết;

3. Đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết;

4. Đối với những bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Luật này;

5. Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết;

6. Khi giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án tiếp tục áp dụng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí thấp hơn mức án phí áp dụng đối với vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục thông thường.

- Thời hiệu áp dụng (Điều 2)

 

Các vụ án hành chính phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 104 của Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12.

Đối với các vụ án hành chính phát sinh kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 116 của Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.

III. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH THEO LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH 2015

1. Vị trí, vai trò (nhiệm vụ, quyền hạn chung) của VKSND

 

1.1. Là cơ quan tiến hành và người tiến hành tố tụng hành chính (Điều 36):  Luật TTHC không những tiếp tục khẳng định vai trò của VKSND mà còn được tăng cường như: Tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng; người tiến hành tố tụng trong ngành kiểm sát, ngoài Viện trưởng, Kiểm sát viên, còn bổ sung mới là Kiểm tra viên.

1.2. Là người tiến hành tố tụng hành chính (Điều 36)

 

- Viện trưởng (khoản 4 Điều 36)

- Kiểm sát viên (khoản 4 Điều 36)

- Kiểm tra viên (khoản 4 Điều 36).

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát

 

2.1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật (Điều 25 – khoản 1, khoản 2)

 

2.1.1. Kiểm sát trả lại đơn khởi kiện (Điều 123, Điều 124):

 

- Điều 123 khoản 2 quy định: Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được trả lại ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

- Điều 124 quy định mới: “Khi trả đơn khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn được gửi ngay cho VKS cùng cấp.  Đơn khởi kiện và các tài liệu mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao và lưu tại Tòa án để làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị”. Khi có khiếu nại, kiến nghị, Tòa án phải mở phiên họp trong hạn 05 ngày làm việc để xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, “ phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp.. căn cứ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến trả lại đơn khởi kện, ý kiến của Viện kiểm sát và đương sự tại phiên họp, thẩm phán phải ra một trong các quyết định: giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát; Nhận lại đơn khởi kiện..” (khoản 3,4 Điều 124).

Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị lần thứ hai đến Chánh án TAND cấp trên trực tiếp để xem xét, quyết định lần cuối.

2.1.2. Kiểm sát việc thụ lý (Điều 126 và Điều 128):

 

- Điều 126 quy định: Tòa án phải gửi thông báo về thụ lý vụ án cho VKSND cùng cấp.

- Điều 128 quy định: sau khi nhận được văn bản thông báo việc thụ lý vụ án, Viện kiểm sát phải vào sổ thụ lý vụ án hành chính và phân công Kiểm sát viên kiểm sát quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, cụ thể xem xét các vấn đề sau:

+ Xem xét đối tượng khởi kiện có phải là quyết định hành chính hay hành vi hành chính không?

+ Xem xét đơn kiện để xác định người khởi kiện có quyền khởi         kiện, đủ điều kiện khởi kiện theo Điều 115 Luật TTHC hay không?

+ Thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Kiểm sát viên căn cứ vào các quy định tại Điều 28 Luật TTHC để xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không?

+ Xác định thời hiệu khởi kiện: Kiểm sát viên căn cứ vào Điều 116 của Luật TTHC để xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay hết.

2.1.3. Kiểm sát việc thu thập chứng cứ (Điều 84 - khoản 6)

- Điều 84 khoản 6, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án.

- Viện kiểm sát trực tiếp thu thập chứng cứ:

+ Điều 84 khoản 6: Trường hợp kháng nghị bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án.

+ Điều 93 khoản 4: Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ.

2.1.4. Kiểm sát áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 73, Điều 75, Điều 76, Điều 77)

- Điều 73 khoản 4: Thẩm phán áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đều phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiến hành kiểm sát.

- Điều 75 khoản 2: Tòa án phải gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiến hành kiểm sát.

- Điều 77: Chánh án Tòa án phải xem xét giải quyết kiến nghị của Viện kiểm sát về việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn 03 ngày.

2.1.5. Kiểm sát việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 141):

 

Khoản 2 Điều 141: Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng thì phải ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2.1.6. Kiểm sát việc đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 143):

 

Điều 143 khoản 4: Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát quyết định đình chỉ, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng thì phải ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2.1.7. Kiểm sát sau khi Tòa án tiến hành tổ chức Đối thoại (Điều 140):

Trong trường hợp Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án thì phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì quyết định của Tòa án có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

2.1.8. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa (Điều 190, Điều 240, Điều 270):

- Điều 190: Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm.

 

- Điều 240 – tại phiên tòa phúc thẩm

- Điều 270 – tại phiên tòa giám đốc thẩm.

* Bên cạnh thủ tục thông thường còn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn:

- Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn (Điều 249): Khi Thẩm phán tiến hành đối thoại tại phiên tòa không thành thì tiến hành xét xử theo thủ tục thông thường quy định tại mục 3 Chương XI của Luật TTHC – như phiên tòa sơ thẩm thông thường.

- Kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm rút gọn (Điều 253 khoản 5): Sau khi kết thúc việc tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

2.1.9. Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án (Điều 190, Điều 240, Điều 270, Điều 249, Điều 253):

 

Theo quy định của Luật TTHC, cũng như Luật sửa đổi bổ sung Luật TTHC, VKS tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, các phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên theo quy định của Luật TTHC năm 2010 khi viện kiểm sát không tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, nay theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TTHC thì khi Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát, đồng thời đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, cụ thể là:

Tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 190): Tại các phiên tòa, phiên họp ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên ngoài phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án còn phát biểu về việc giải quyết vụ án (tức quan điểm giải quyết vụ án). Như vậy so với Luật TTHC năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung Luật TTHC mở rộng quyền cho Viện kiểm sát được phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm (Điều 240): Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị, phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu, phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

Như vậy, quan điểm về việc giải quyết vụ án của Viện kiểm sát được thể hiện trong kháng nghị của Viện kiểm sát và việc đánh giá, nhận xét đối với ý kiến của đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Tại phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm (Điều 270, Điều 286): Đại diện VKS trình bày nội dung kháng nghị trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị; phát biểu ý kiến của VKS về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. 

Điểm đáng lưu ý là: Luật TTHC năm 2015 quy định về việc: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm (Điều 190); phúc thẩm (Điều 240); giám đốc thẩm (Điều 270) kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu hồ sơ vụ án.

Như vậy, sự tham gia của VKS trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án là một hoạt động quan trọng đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

2.1.10. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án (Điều 194, Điều 242, Điều 277, Điều 286)

 

- Kiểm sát bản án sơ thẩm (Điều 194)

- Kiểm sát bản án phúc thẩm (Điều 242)

- Kiểm sát quyết định giám đốc thẩm (Điều 277)

- Kiểm sát quyết định tái thẩm (Điều 277, Điều 286)

Điểm đáng lưu ý khi tiến hành kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án thì Kiểm sát viên phải tiến hành xem xét bản án có phản ánh đầy đủ các tình tiết khách quan trong hồ sơ vụ án hay không; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung có đúng hay không; trên cơ sở đó đánh giá quyết định của bản án có căn cứ và đúng quy định pháp luật hay không.

2.2. Thực hiện các quyền của Viện kiểm sát

2.2.1. Thực hiện quyền yêu cầu (Điều 25, Điều 93, Điều 343)

 

- Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ (Điều 25 khoản 2; Điều 84 khoản 6)

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ (Điều 93 Khoản 4).

-  Yêu cầu cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ; đúng pháp luật (Điều 343).

* Điểm lưu ý: Quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án của Viện kiểm sát được quy định tại Thông tư số 03/2012/TTLT- VKSNDTC- TANDTC ngày 01/8/2012, tuy nhiên chưa được pháp điển hóa.

2.2.2. Thực hiện quyền kiến nghị (Điều 25, Điều 76; Điều 124; Điều 315)

 

- Kiến nghị UBND cấp phường, xã khởi kiện vụ án hành chính đối với người chưa thành niên và người bị nhược điểm về tâm thần (Điều 25 khoản 3).

- Kiến nghị về trả lại đơn khởi kiện để xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị (Điều 124 khoản 1);

- Kiến nghị việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 76 khoản 1);

- Kiến nghị Tòa án về việc quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 248 khoản 1)

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật (Điều 43 khoản 8);

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của Cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết  định của Tòa án (Điều 315).

- Kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ; đúng pháp luật (Điều 343).

- Kiến nghị với Chánh án TANDTC xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với Quyết định Giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC (Điều 287).

- Kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm (nói chung) trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính (khoản 2 Điều 25).

2.2.3. Thực hiện quyền kháng nghị (Điều 211; Điều 260; Điều 283)

 

 - Quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 211 khoản 1):

Đây là quyền năng đặc trưng và quan trọng nhất của VKS khi thực hiện chức năng kiềm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật TTHC, “Viện trưởng VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm” (Điều 211).

- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 260 khoản 2):

 “Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác trừ quyết định của HĐTP Toà án nhân dân tối  cao” (Khoản 1 Điều 260). Viện trưởng VKS cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ” (Khoản 2 Điều 260). Đây là quy định mới triển khai thực hiện quy định VKS, Tòa án 4 cấp, trong đó có VKSND cấp cao được giao nhiệm vụ kháng nghị và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của tòa án cùng cấp.

Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Điều 283):

“Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bán án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của HĐTP Toà án nhân dân tối cao” (Khoản 1 Điều 283). Viện trưởng VKS cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thấm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ “ (Khoản 2 Điều 283). Đây là quy định mới triển khai thực hiện quy định VKS, Tòa án 4 cấp, trong đó có VKSND cấp cao được giao nhiệm vụ kháng nghị và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của tòa án cùng cấp.

Như vậy, khi bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật, cũng như khi bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án, VKS sẽ thực hiện quyền kháng nghị để đảm bảo việc xét xử của Tòa án tuân thủ đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tố tụng hành chính.

Nguồn: Phòng Tư pháp


Số lượt người xem: 2330    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày

  • Thành phố Hồ Chí Minh
  • KT-XH 9 thang 2014
  • Tuyên truyền tiết kiệm điện P.2
  • Tuyên truyền tiết kiệm điện P.1
  • Gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
  • Quận 2: Chuyển biến trong công tác giải quyết đơn thu khiếu nại của người dân
  • Đảng bộ Quận 2 với chương trình "Vì dân phục vụ"
  • Bước chuyển mới trong việc xây dựng Chính quyền điện tử
  • Chuyện về vùng đất mới quận 2
  • Khai mạc hội xuân chợ hoa tết Quý Tỵ 2013
  • Hội xuân Quý Tỵ 2013-Quận đoàn
  • Hội thi nấu bánh tét xuân Quý Tỵ 2013
  • Bắn pháo hoa dịp tết Quý Tỵ 2013
  • KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN 2 - P.2
  • KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP QUẬN 2 - P.1
Tìm kiếm